Tuy An: Hơn 100 ha sắn bị bệnh khảm lá xuất hiện gây hại
Hộ sản xuất kiểm tra bệnh khảm lá gây hại trên cây sắn
Theo báo cáo của Trạm Trồng trọt - Bảo vệ thực vật (TT - BVTV) huyện Tuy An, bên cạnh điều kiện thời tiết nắng nóng, khô hạn, thì hiện nay tình trạng bệnh khảm lá xuất hiện gây hại, đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sinh trưởng của cây sắn niên vụ 2022 - 2023 tại địa phương.
Qua điều tra thực tế, Trạm TT - BVTV huyện Tuy An ghi nhận, vào thời điểm hiện nay, tại địa phương đã có hơn 100 ha sắn từ 2 - 3 tháng tuổi bị bệnh khảm lá gây hại, chiếm tỷ lệ trên 35% so với tổng diện tích sản xuất cây sắn niên vụ 2022 - 2023. Trong số này, có hơn 80 ha nhiễm nhẹ, tỷ lệ gây hại từ 3 - 5%/cây, 20 ha nhiễm mức độ trung bình, tỷ lệ gây hại từ 5 - 10%/cây. Đáng chú ý, bệnh khảm lá xuất hiện gây hại trên tất cả các giống sắn được đưa vào sản xuất và rải đều ở các xã có diện tích sản xuất cây sắn niên vụ 2022 - 2023.
Theo nhận định của Trạm TT - BVTV huyện Tuy An, nếu điều kiện thời tiết nắng nóng còn kéo dài, sẽ tạo thuận lợi cho bệnh khảm lá và các đối tượng sâu bệnh khác sinh trưởng, lây lan trên diện rộng thì diện tích trồng sắn tại địa phương bị gây hại tiếp tục gia tăng. Do vậy, Trạm TT - BVTV huyện Tuy An yêu cầu hộ sản xuất cần tăng cường nguồn nước tưới cho cây sắn. Đồng thời chú trọng công tác quản lý sâu bệnh gây hại, nhằm đảm bảo cho cây sắn sinh trưởng.
Được biết, mặc dù các cơ quan chuyên môn ở huyện Tuy An đã khuyến cáo hộ sản xuất không nên mở rộng diện tích trồng sắn, bởi từ nhiều năm nay cây sắn luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố gây bất lợi, như sâu bệnh xuất hiện gây hại, giá tiêu thụ sản phẩm bấp bênh, nhưng diện tích sản xuất cây sắn trong niên vụ này ở huyện Tuy An vẫn khá cao, với hơn 370 ha.
Khắc Nho