Tuy An: Rà soát, đánh giá các tiêu chí công nhận làng nghề truyền thống
Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra hoạt động tại Làng nghề chiếu cói Phú Tân 1
Sở NN-PTNT phối hợp cùng các đơn vị, sở, ngành liên quan vừa tổ chức đoàn kiểm tra, rà soát và đánh giá thực tế các tiêu chí công nhận đối với làng nghề bánh tráng Hòa Đa, xã An Mỹ và làng nghề chiếu cói Phú Tân 1, xã An Cư (huyện Tuy An).
Qua kiểm tra, rà soát và đánh giá thực tế các tiêu chí theo quy định tại Nghị định số 52 của Chính phủ, tại làng nghề bánh tráng Hòa Đa, hiện có 118 hộ tham gia, trong đó có 23 hộ tráng bánh tráng máy và 93 tráng bánh thủ công.Trong 2 năm gần đây tình hình phát triển kinh tế của các hộ gia đình tham gia nghề bánh tráng phát triển ổn định, có thương hiệu trên thị trường, sản phẩm bánh tráng Hòa Đa được bán rộng rãi tại ở các địa phương trong và ngoài tỉnh như Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Định, Gia Lai, Quãng Ngãi, tạo nguồn thu nhập bình quân hơn 200 triệu đồng/hộ gia đình/năm.
Trong khi đó, tại làng nghề dệt chiếu cói Phú Tân 1, hiện có 156 hộ tham gia làm nghề, trong đó có 3 hộ dệt chiếu bằng máy với tổng số 43 máy, 76 công nhân, bình quân mỗi máy cho ra 15 chiếc chiếu/ngày. Các hộ gia đình đã mạnh dạn đầu tư mua máy dệt chiếu công nghiệp bán tự động rút ngắn thời gian sản xuất, tăng năng suất, sợi cói trở nên mịn, dày và bền đẹp hơn đáp ứng được nhu cầu của thị trường, nâng cao thu nhập cho người dệt chiếu. Bên cạnh đó, nghề dệt chiếu thủ công vẫn được duy trì sản xuất, mỗi hộ gia đình dệt từ 2-4 đôi chiếu/ngày, thu nhập từ 40.000-60.000 đồng/người/ngày. Do thu nhập thấp, không đảm bảo kinh tế nên phần lớn người dân đã chuyển sang làm công việc khác, còn lại số ít người lớn tuổi giữ lấy nghề.
Để tiếp tục bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống của địa phương, UBND huyện Tuy An mong muốn các sở ngành quan tâm, hỗ trợ về vốn, thu hút đầu tư, đào tạo nghề, xây dựng nhãn hiệu và kết nối tiêu thụ sản phẩ nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại các làng nghề.
Khắc Nho