HUYỆN TUY AN: MỘT SỐ GIẢI PHÁP BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN KINH TÊ ́ XÃ HỘI HIỆN NAY
Trải qua hơn 400 năm hình thành và phát triển, người dân Tuy An luôn tự hào về mảnh đất giàu truyền thống, cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất; giàu tình cảm trong cuộc sống; thông minh, hiếu học; anh dũng, mưu trí trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, lập nhiều chiến công oanh liệt. Tuy An ngày nay là sự kết tinh lịch sử, văn hóa của hàng trăm năm xây dựng và phát triển, nơi đây ẩn chứa nhiều tầng văn hóa, các giá trị lịch sử lâu đời.
Hiện nay, trên địa bàn huyện đã được nhà nước xếp hạng 9 di tích và danh thắng cấp Quốc gia (trong đó có 01 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt), 23 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Ngoài ra, Tuy An còn có di sản văn hóa vật thể và phi vật thể như kèn đá, đàn đá, nghệ thuật bài chòi, hát tuồng, cải lương... Di sản văn hóa có vai trò quan trọng đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và cộng đồng, tạo nguồn lực thúc đẩy phát triển ngành du lịch, đem đến lợi ích kinh tế và quảng bá hình ảnh của địa phương. Vì vậy bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội, trọng tâm là phát triển du lịch trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết.
Di sản văn hoá Tuy an là một bộ phận quan trọng và quý giá trong kho tàng di sản văn hóa, là tài sản của các thế hệ đi trước trao truyền lại cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Việc bảo vệ, giữ gìn các di sản văn hóa chính là thể hiện cụ thể tinh thần yêu nước, sự biết ơn của chúng ta đối với các bậc tiền nhân, vun đắp những truyền thống tốt đẹp của cha ông, đó là cội nguồn, đồng thời là sức mạnh nội sinh để phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Do vậy, trong nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội thời gian tới, Huyện Tuy an sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa, chuyển hóa thành nguồn lực quan trọng, góp phần xây dựng Huyện Tuy an ngày càng giàu đẹp, văn minh, thực hiện thắng lợi mục tiêu trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2023 và thị xã vào 2025. Để công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, chuyển hóa thành nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững Huyện Tuy An xác định một số giải pháp cụ thể:
Thứ nhất, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tuyên truyền sâu rộng và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng về văn hóa, coi trọng việc bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội bền vững
Thứ hai, di sản văn hóa chỉ có thể bảo tồn và phát triển khi thường xuyên thực hành trong cộng đồng, trong đời sống xã hội. Do đó, cần tạo dựng môi trường sinh hoạt và thực hành tăng cường giao lưu cộng đồng, câu lạc bộ... nhằm nâng cao ý thức, tạo sự gắn bó mật thiết của người dân trong việc bảo tồn và phát huygiá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch, tạo ra lợi ích kinh tế và quảng bá hình ảnh địa phương. Tiếp tục phát triển phong trào văn nghệ quần chúng, trọng tâm là tổ chức các hoạt động, dân ca, liên hoan hát dân ca, hát bài chòi… Chú trọng khai thác, khôi phục một số lễ hội truyền thống, món ăn đặc sắc, khôi phục các làng nghề truyền thống.. Nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục, giao lưu, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống ở các địa phương và trong trường học.
Thứ ba, tiếp tục bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng,địa đạo gò thì thùng, đền thờ Lê Thành Phương thành trung tâm giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, đoàn kết, ý chí, khát vọng vươn lên của các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, tạo động lực, nguồn lực kế tiếp sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Cha Ông đi trước. Tổ chức các hoạt động, chương trình về nguồn, dâng hương, báo công, giao lưu văn hóa, văn nghệ, trải nghiệm... tại các khu di tích lịch sử, tạo thành phong trào sâu rộng, thường xuyên đối với các tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương trong và ngoài huyện.
Thứ tư, khuyến khích, hỗ trợ các cá nhân tham gia bảo vệ di tích; các nghệ nhân, chủ thể văn hóa, là những người đang nắm giữ bảo tồn và truyền dạy các giá trị di sản văn hóa. Cùng với đầu tư của Nhà nước, tăng cường sự tham gia, huy động nguồn lực xã hội để đầu tư, xây dựng, nâng cao chất lượng các thiết chế văn hóa, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến đường liên kết vùng, hạ tầng du lịch... tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ năm, Tiếp tục nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch hiện có, trọng tâm là sản phẩm du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng, lễ hội, sinh thái, cộng đồng... Phát huy tiềm năng, lợi thế thị trường du lịch, xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch mới, có tính đặc trưng. Phát triển sản phẩm lưu niệm, quà tặng mang bản sắc vùng miền, sản phẩm nông sản đặc sản... phục vụ nhu cầu của thị trường và du khách.
Di sản văn hoá có vai trò to lớn đối với sự phát triển lành mạnh và bền vững của cuộc sống. Bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa trên địa bàn huyện Tuy An là việc làm thiết thực, thường xuyên gắn với chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh chuyên đề năm 2023 nhằm phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, đồng thời giữ gìn và lưu truyền cho các thế hệ mai sau, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII của Đảng đã đề ra.
Tiến Dũng