• :
  • :
CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ UBND HUYỆN TUY AN
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

KỸ NĂNG XÂY DỰNG ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN MIỆNG

Đề cương tuyên truyền miệng là văn bản mà dựa vào đó, báo cáo viên, tuyên truyền viên tiến hành buổi nói chuyện trước công chúng.

 

 

Tuyên truyền miệng có nhiều thể loại: Bài nói chuyện thời sự, báo cáo chuyên đề, báo cáo nhanh hoặc giới thiệu về nghị quyết của các cấp uỷ đảng, kể chuyện người tốt việc tốt, gương anh hùng, chiến sĩ thi đua, diễn văn đọc trong các cuộc mít tinh... Mỗi thể loại trên đều có kết cấu đề cương riêng. Tuy nhiên, khái quát lại, đề cương được kết cấu bởi ba phần, gồm: Phần mở đầu, phần nội dung chính và phần kết luận. Mỗi phần có chức năng riêng, yêu cầu riêng, phương pháp xây dựng và thể hiện riêng.

 1. Phần mở đầu

a. Chức năng của phần mở đầu Là phần nhập đề cho chủ đề tuyên truyền, đồng thời là phương tiện giao tiếp ban đầu với người nghe nhằm kích thích sự hứng thú của người nghe với nội dung tuyên truyền. Phần này tuy ngắn, nhưng rất quan trọng đối với các nội dung tuyên truyền có tính trừu tượng, đối với đối tượng mới tiếp xúc lần đầu, với đối tượng là thanh niên, sinh viên.

b. Yêu cầu đối với lời mở đầu

- Phải tự nhiên và gắn với các phần khác trong bố cục toàn bài cả về nội dung và phong cách ngôn ngữ.

- Ngắn gọn, độc đáo và hấp dẫn đối với người nghe.

c. Các cách mở đầu và cấu trúc phần mở đầu Cách mở đầu rất đa dạng, phong phú nhưng có thể khái quát thành hai cách mở đầu chủ yếu: mở đầu trực tiếp và mở đầu gián tiếp:

- Mở đầu trực tiếp là cách mở đầu bằng việc giới thiệu thẳng với người nghe vấn đề sẽ trình bày để người nghe tiếp cận ngay. Cách mở đầu này ngắn gọn, tự nhiên, dễ tiếp nhận và thích hợp với những bài phát biểu ngắn, với đối tượng đã tương đối quen thuộc…

Mở đầu trực tiếp được cấu trúc bởi hai phần: Nêu vấn đề và giới hạn phạm vi vấn đề (hay chuyển vấn đề).

+ Nêu vấn đề là trình bày ý tưởng, quan niệm tổng quát của chủ đề tuyên truyền để dọn đường cho việc trình bày phần tiếp theo.

+ Giới hạn phạm vi vấn đề là thông báo cho người nghe biết trong bài nói có mấy phần, bàn đến những vấn đề gì.

 - Mở đầu gián tiếp là cách mở đầu không đi thẳng ngay vào vấn đề mà chỉ nêu vấn đề sau khi đã dẫn ra một ý kiến khác có liên quan, gần gũi với vấn đề ấy nhằm chuẩn bị bối cảnh, “dọn đường” cho vấn đề xuất hiện. Cách mở đầu này dễ tạo cho bài nói sự sinh động, hấp dẫn đối với người nghe, làm cho người nghe nhanh chóng thay đổi quan điểm vốn có, chấp nhận quan điểm của báo cáo viên, tuyên truyền viên.

 Mở đầu gián tiếp được cấu trúc bởi ba phần: dẫn dắt vấn đề, nêu vấn đề và giới hạn phạm vi vấn đề. Tuỳ theo cách dẫn dắt vấn đề, hay là cách chuyển từ phần dẫn dắt vấn đề sang phần nêu vấn đề mà hình thành các phương pháp mở đầu gián tiếp sau:

- Nếu dẫn dắt vấn đề được bắt đầu từ một cái riêng để đi đến nêu vấn đề là một cái chung, ta có phương pháp quy nạp.

 - Nếu dẫn dắt vấn đề bắt đầu từ một cái chung để đi đến nêu vấn đề là một cái riêng, ta có phương pháp diễn dịch.

- Nếu dẫn dắt vấn đề bằng cách lấy một ý khác tương tự để làm rõ hơn cho việc nêu vấn đề ở phần tiếp theo, ta có phương pháp tương đồng.

- Nếu dẫn dắt vấn đề bằng cách lấy một ý khác trái ngược để đối chiếu, so sánh với vấn đề sẽ nêu ra, ta có phương pháp tương phản.

Ngoài ra, trong phần mở đầu dù trực tiếp hay gián tiếp, báo cáo viên, tuyên truyền viên nên nói rõ thời gian buổi nói chuyện (đến mấy giờ), phương thức tiến hành (có nghỉ giải lao hay không, nghỉ mấy lần, có trả lời các câu hỏi và tổ chức đối thoại với người nghe hay không...).

 2. Nội dung chính của bài nói

 Đây là phần dài nhất, quan trọng nhất, quyết định chất lượng của bài nói, là phần thể hiện và phát triển nội dung tuyên truyền một cách toàn diện, theo yêu cầu đặt ra. Nếu như chức năng, đặc trưng của phần mở đầu là thu hút sự chú ý của người nghe ngay từ đầu thì chức năng, đặc trưng của phần chính là lôi cuốn người nghe, kích thích sự hứng thú, định hướng tư tưởng, phát triển tư duy của họ bằng chính sự phát triển phong phú của nội dung và lôgíc của sự trình bày. Khi chuẩn bị phần chính của bài nói cần đạt tới các yêu cầu sau đây:

- Bố cục chặt chẽ, được trình bày, lập luận theo những quy tắc, phương pháp nhất định. Phần chính được bố cục thành các luận điểm hay các mục (mục lớn tương ứng với luận điểm cấp một, mục nhỏ tương ứng với luận điểm cấp hai). Các luận điểm phải được làm sáng tỏ bởi các luận cứ. Giữa các luận điểm hay các phần, các mục phải có đoạn chuyển tiếp làm cho bài nói có tính liên tục và giúp người nghe chủ động chuyển sang tiếp thu những mục, những luận điểm tiếp theo.

 - Tư liệu, cứ liệu dùng để chứng minh, làm sáng tỏ luận điểm cần được sắp xếp một cách lôgíc theo phương pháp quy nạp, phương pháp diễn dịch, phương pháp loại suy hoặc phương pháp nêu vấn đề. Mỗi luận điểm, mỗi phần, mỗi mục có thể trình bày theo một trong các phương pháp trên. Việc chọn phương pháp trình bày, sắp xếp tư liệu nào là do nội dung bài nói, đặc điểm người nghe và hoàn cảnh cụ thể của buổi tuyên truyền miệng quy định. - Tính xác định, tính nhất quán và tính có luận chứng.

 Nhìn chung, trong ý thức của mỗi cá nhân trong xã hội đã hình thành những mối quan hệ lôgíc nhất định. Nếu lôgíc bài nói phù hợp với lôgíc trong tư duy, ý thức người nghe thì bài nói sẽ trở nên dễ hiểu, dễ thuyết phục. Vì vậy, khi thiết lập đề cương bài nói, hình thành các luận điểm, các phần, các mục phải vận dụng các quy luật lôgíc (quy luật đồng nhất, quy luật mâu thuẫn, quy luật loại trừ cái thứ ba, quy luật có lý do đầy đủ). Việc vận dụng các quy luật này trong khi lập luận, trình bày, kết cấu đề cương sẽ đảm bảo cho bài nói có tính rõ ràng, chính xác (tính xác định), tính nhất quán và tính có luận chứng.

- Tính tâm lý, tính sư phạm. Khi xây dựng phần chính của bài nói và trình bày, lập luận nội dung, ngoài việc vận dụng các quy luật của lôgíc hình thức cần vận dụng các quy luật của tâm lý học tuyên truyền như: Quy luật hình thành và biến đổi của tâm thế, quy luật đồng hoá và tương phản của ý thức, quy luật đứng đầu trong niềm tin, quy luật về sự tác động của cái mới…

Chẳng hạn, có thể vận dụng quy luật đứng đầu trong niềm tin do nhà bác học Hêvlanđơ tìm ra năm 1926 để sắp xếp thứ tự trình bày các vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với việc hình thành tâm thế, niềm tin của đối tượng.

 Nội dung của quy luật này có thể tóm tắt là: Những tác động đầu và cuối của hiện thực khách quan đến con người thường để lại những dấu ấn sâu sắc. Cho nên, khi xây dựng đề cương phần chính bài nói, các vấn đề quan trọng của nội dung cần kết cấu ở phần đầu hoặc phần cuối của bài. Đề cương phần chính bài nói còn được sắp xếp theo yêu cầu của phương pháp sư phạm: Trình bày từ cái đơn giản, đã biết đến cái phức tạp, cái chưa biết và nêu bật được những luận điểm quan trọng nhất của bài.

3. Phần kết luận Kết luận là phần không thể thiếu của cấu trúc một bài nói, nó có các chức năng đặc trưng sau:

- Tổng kết những vấn đề đã nói.

- Củng cố và làm tăng ấn tượng về nội dung tuyên truyền.

- Đặt ra trước người nghe những nhiệm vụ nhất định và kêu gọi họ đi đến hành động. Kết luận phải ngắn gọn, giàu cảm xúc nhưng tự nhiên, không giả tạo và được sử dụng để kết thúc bài nói.

- Phần kết vạch ra tương lai tươi sáng, thành quả.

- Phần kết bằng lời khuyên về luân lý Vào đề và kết luận cho buổi nói chuyện là một nghệ thuật - nghệ thuật gây hấp dẫn, lôi cuốn, gây ấn tượng đối với người nghe.

Mỗi báo cáo viên, tuyên truyền viên cần tìm tòi, nghiên cứu để tìm cho mình cách vào đề và kết luận bài nói sao cho ấn tượng, hiệu quả nhất.

Tiến Dũng


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Bài viết liên quan
Bản đồ
Liên kết website
Thống kê truy cập
Hôm nay : 411
Hôm qua : 592