Trung tâm Y tế huyện Tuy An tăng cường phòng, chống bệnh liên cầu lợn
Bệnh liên cầu lợn do Streptococcus suis gây nên, là bệnh lây truyền từ động vật sang người và có thể gây tử vong. Người bệnh thường có triệu chứng lâm sàng nặng, phải điều trị trong thời gian dài, chi phí điều trị lớn và thường để lại biến chứng không phục hồi sau khi khỏi bệnh. Bệnh nhiễm liên cầu lợn là tác nhân gây bệnh (viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết, viêm khớp ở lợn). Tuy nhiên vi khuẩn có thể cư trú ở đường hô hấp trên (mũi, họng), đường sinh dục và tiêu hóa của lợn khỏe mạnh. Ở người liên cầu khuẩn lợn gây bệnh cảnh nhiễm trùng nặng, đe dọa tính mạng như: Viêm màng não, nhiễm trùng huyết, viêm khớp, viêm nội tâm mạc …
Hiện tại tỉnh Phú Yên đã ghi nhận 01 trường hợp mắc bệnh liên cầu lợn ở người (H. Phú Hòa)
Vi khuẩn liên cầu lợn lây từ lợn sang người: Thông qua tiếp xúc trực tiếp với lợn mang vi khuẩn, thông qua những vết thương nhỏ, hoặc trầy xước trên da trong quá trình giết mổ lợn, chế biến thịt lợn, hay ăn tiết canh, thịt lợn chưa chế biến kỹ. Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh. Thời gian ủ bệnh ngắn từ vài giờ, cho đến 2-3 ngày (tuy nhiên có trường hợp ủ bệnh có thể đến vài tuần).
Đối tượng có nguy cơ nhiễm trùng liên cầu khuẩn lợn: Những người tham gia giết mổ lợn, chế biến thịt lợn ốm, chết; Người làm việc ở các lò giết mổ lợn tập trung; Ăn tiết canh, hay các sản phẩm từ lợn không được nấu chín kỹ.
Biểu hiện bệnh nhiễm trùng liên cầu khuẩn lợn: Bệnh cảnh phổ biến nhất của nhiễm trùng liên cầu khuẩn lợn là viêm màng não. Biểu hiện của viêm màng não: Sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn, ù tai, điếc, gáy cứng, rối loạn tri giác, xuất huyết dưới da dạng chấm, mảng ở vành tai, mũi, mặt, thân mình … Khám có biểu hiện gáy; Chọc dịch não tủy có biến loạn: dịch đục, áp lực tăng, tăng bạch cầu và protein trong dịch não tủy
Trường hợp nặng tiến triển nhanh chóng hội chứng nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm khuẩn (có thể kèm theo hoặc không kèm theo viêm màng não): trụy mạch, rối loạn đông máu nặng, suy đa phủ tạng, xuất huyết tiêu hóa, hôn mê, tử vong nhanh chóng.
Tiên lượng bệnh nhiễm trùng liên cầu khuẩn lợn:
Viêm màng não do liên cầu khuẩn lợn nếu chẩn đoán điều trị muộn di chứng nặng nề: Điếc 1 bên hay 2 bên vĩnh viễn, không hồi phục. Một số bệnh nhân phải điều trị dai dẳng, tái phát nhiều đợt; Nhiễm trùng liên cầu khuẩn lợn mặc dù được điều trị, tỷ lệ tử vong chung cho các thể bệnh là 17%. Trường hợp bệnh nhân đã có biểu hiện sốc nhiễm khuẩn, tỷ lệ tử vong rất cao lên đến 60- 80%.
Để chủ động phòng, chống lây nhiễm bệnh liên cầu lợn sang người Trung tâm Y tế huyện Tuy An đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tích cực triển khai thực hiện một số nội dung trọng tâm sau:
Tuyên truyền rộng rãi cho người dân đến khám và điều trị bệnh tại cơ sở, và phát thanh bài viết tuyên truyên về các biện pháp phòng lây nhiễm liên cầu lợn sang người như: Không ăn sản phẩm từ lợn chưa được nấu chín hoặc từ lợn ốm, chết, đặc biệt không ăn tiết canh lợn; Có biện pháp bảo hộ lao động như đeo găng tay, khẩu trang cho những người chăn nuôi, tiếp xúc, giết mổ, buôn bán gia súc.
Cán bộ phụ trách chương trình an toàn Vệ sinh thực phẩm phối hợp cùng các ban ngành có chức năng tăng cường giám sát các cơ sở giết mổ lợn, cơ sở chế biến thực phẩm nhất là các sản phẩm chế biến từ từ thịt lợn, phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm liên cầu cầu lợn ở người, triển khai ngay các biện pháp xử lý ổ dịch, đảm bảo thực phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng; Các khoa, phòng, trạm y tế chú ý những trường hợp người bệnh có triệu chứng nghi nhiễm liên cầu lợn, khai thác tiền sử dịch tễ và lấy mẫu xét nghiệm, điều trị bệnh nhân kịp thời để tránh tử vong. Đồng thời, cần thông báo cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật để điều tra, xử lý ổ dịch; Khoa Dược-VTYT chuẩn bị vật tư, hóa chất; các khoa lâm sàng, trạm y tế chuẩn bị phương tiện, bảo đảm sẵn sàng triển khai khi có ca bệnh xảy ra.
“Sức khỏe là vốn quý nhất của con người”. Vì sức khỏe, mỗi người dân hãy nêu cao ý thức trong việc sử dụng thực phẩm, đảm bảo an toàn để không xảy ra dịch bệnh.
Thành Trung